Khi thị trường blockchain ngày càng phát triển, một vấn đề nhận được sự quan tâm rất lớn là tính phân mảnh giữa các blockchain khác nhau như Bitcoin, Ethereum, Binance Smart Chain,… Mỗi blockchain này đều hoạt động độc lập và có các đặc điểm kỹ thuật, cộng đồng và ứng dụng riêng biệt. Điều này vô hình chung đã tạo ra rào cản khi người dùng muốn chuyển tài sản hoặc dữ liệu giữa các mạng. Đó là lý do mà cross-chain ra đời. Trong bài viết này, hãy cùng tiendientu.com tìm hiểu cross-chain là gì nhé!
Cross-chain là gì?
Cross-chain (hay chuỗi chéo) là một giải pháp giúp chuyển giao tài sản crypto, token, hoặc dữ liệu giữa các blockchain giúp đơn giản hóa quá trình chuyển đổi và tương tác giữa các blockchain.
Sự ra đời của cross-chain xuất phát từ thực tế là mỗi blockchain có cấu trúc và giao thức riêng biệt, khiến việc di chuyển tài sản giữa các mạng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là với người dùng mới. Điều này giống như việc người Việt khó sử dụng đồng Yên Nhật để thanh toán tại Việt Nam, và ngược lại, người Nhật cũng khó dùng VND để chi trả chi phí ở Nhật. Cross-chain chính là “cầu nối” giúp giải quyết vấn đề này, tạo ra một hệ sinh thái blockchain thông suốt hơn.
Tại sao cross-chain ra đời?
Khi ngành công nghiệp blockchain phát triển và mở rộng, hàng loạt giao thức blockchain mới với các cách tiếp cận độc đáo, giao thức đồng thuận mới và công cụ phát triển ứng dụng đã xuất hiện. Tuy nhiên, chính sự đa dạng này cũng làm cho việc giao tiếp và hợp tác giữa các mạng trở nên phức tạp hơn bao giờ hết.
Trước khi có công nghệ cross-chain, mỗi mạng blockchain tồn tại độc lập với các quy tắc và giao thức riêng. Việc truyền dữ liệu và tài sản giữa các mạng này chỉ có thể thực hiện qua các sàn giao dịch tiền ảo hoặc các bên trung gian thứ ba.
Chính vì sự phân mảnh mạng lưới và sự phụ thuộc vào các sàn giao dịch tập trung (CEX) đã khiến việc chuyển coin và token từ mạng này sang mạng khác trở nên tốn nhiều thời gian và chi phí. Cross-chain ra đời nhằm giải quyết triệt để vấn đề này, tạo ra sự kết nối liền mạch giữa các blockchain và nâng cao hiệu quả hoạt động trong hệ sinh thái blockchain.
Cơ chế hoạt động của cross-chain là gì?
Nguyên lý hoạt động của cross-chain dựa trên việc tạo khả năng kết nối và tương tác giữa các mạng blockchain khác nhau, giúp tài sản từ một blockchain có thể xuất hiện trên blockchain khác. Để thực hiện điều này, cross-chain sử dụng ba cơ chế chính là Lock and Mint, Burn and Mint và Lock and Unlock. Mỗi cơ chế đảm bảo tài sản chuyển đổi giữa các mạng vẫn duy trì được giá trị và tính thanh khoản.
- Lock and Mint: Trong cơ chế Lock and Mint, tài sản từ một blockchain sẽ được khóa lại và sau đó tạo ra phiên bản tương đương trên blockchain khác. Quá trình khóa tài sản là đóng băng nó trên mạng chính (mạng A), và quá trình mint là tạo ra một bản sao tương ứng trên mạng đích (mạng B). Ví dụ, khi muốn sử dụng Bitcoin trên mạng Ethereum, Bitcoin sẽ được khóa trên blockchain Bitcoin, và một phiên bản Wrapped Bitcoin (WBTC) sẽ được mint trên Ethereum.
- Burn and Mint: Trong cơ chế Burn and Mint, tài sản từ mạng A sẽ bị tiêu hủy (burn) sau khi khóa, và phiên bản tương ứng sẽ được mint trên mạng B. Khi thực hiện burn, tài sản được gửi đến một địa chỉ không thể truy xuất, đảm bảo rằng số lượng tài sản không bị tăng lên khi có sự chuyển đổi. Sau đó, một số lượng token tương đương sẽ được mint trên mạng đích.
- Lock and Unlock: Cơ chế Lock and Unlock hoạt động bằng cách khóa tài sản trên mạng A và mở khóa trên mạng B. Trong quá trình này, tài sản sẽ bị đóng băng và không thể sử dụng trên mạng ban đầu. Khi mở khóa trên mạng đích, tài sản có thể được sử dụng và giao dịch theo quy định của mạng mới.
Tóm lại, cross-chain là một công nghệ tuyệt vời giúp mở rộng khả năng sử dụng của một token trên nhiều blockchain khác nhau, chẳng hạn như đưa Bitcoin vào mạng Ethereum thông qua Wrapped Bitcoin (WBTC). Công nghệ này không chỉ tạo sự linh hoạt cho người dùng mà còn mở rộng tiềm năng phát triển cho các ứng dụng phi tập trung (DApps) và giao thức DeFi, tăng cường tính thanh khoản và khả năng tương tác giữa các blockchain trong hệ sinh thái.
Các loại cross-chain
Dựa trên yếu tố công nghệ, cross-chain có thể được chia thành hai loại:
- Isomorphic Cross-chain (chuỗi chéo đồng dạng): Loại này có các đặc điểm như thuật toán đồng thuận, cơ chế bảo mật, cấu trúc mạng và logic xác minh tạo khối tương đối giống nhau, giúp quá trình tương tác giữa các chuỗi diễn ra đơn giản và mượt mà hơn.
- Heterogeneous Cross-chain (chuỗi chéo khác dạng): Tương tác giữa các chuỗi này phức tạp hơn, vì chúng sử dụng các thuật toán khác nhau, như PoW (được sử dụng cho Bitcoin) và PBFT (phổ biến trong Tendermint). Sự khác biệt rõ rệt về cấu trúc khối và cơ chế xác minh khiến việc kết nối trực tiếp trở nên khó khăn. Do đó, các chuỗi không đồng nhất thường cần đến dịch vụ hỗ trợ từ bên thứ ba để đảm bảo việc tương tác hiệu quả.
3 vấn đề của cross-chain gặp phải
- Khả năng mở rộng: Khi các blockchain khác nhau kết nối và tương tác với nhau, khả năng xử lý khối lượng lớn giao dịch và dữ liệu trở thành một thách thức lớn. Đặc biệt là khi mỗi blockchain áp dụng các giải pháp công nghệ khác nhau, đòi hỏi các mạng phải cải tiến hiệu suất, tăng cường khả năng xử lý giao dịch cũng như mở rộng dung lượng lưu trữ để duy trì hoạt động ổn định.
- Khả năng tương thích: Các blockchain thường có quy tắc, giao thức và tiêu chuẩn riêng, tạo ra các rào cản cho việc tương tác giữa các mạng. Để cross-chain có thể hoạt động mượt mà, cần có sự đồng thuận và tuân thủ theo một tiêu chuẩn chung, giúp các mạng dễ dàng tương tác và trao đổi dữ liệu với nhau.
- Vấn đề bảo mật: Bảo mật là một trong những thách thức lớn nhất mà cross-chain phải đối mặt. Trong năm 2022, có hơn 10 vụ hack lớn, trong đó 4 vụ liên quan đến các giao thức cross-chain như Ronin Network, Wormhole, Nomad và Harmony, gây thiệt hại hơn 1,2 tỷ USD. Các giao thức cross-chain thường sử dụng hợp đồng thông minh để xử lý giao dịch, nhưng đây cũng là điểm nhạy cảm, dễ bị khai thác nếu không được bảo vệ chặt chẽ.
Ưu điểm và nhược điểm của cross-chain là gì?
1. Ưu điểm
- Tăng khả năng tương tác: Cross-chain giúp các blockchain khác nhau có thể giao tiếp và trao đổi dữ liệu, cho phép tận dụng sức mạnh của nhiều nền tảng cùng lúc để mang lại các giải pháp blockchain toàn diện.
- Hiệu quả cao: Nhờ khả năng tương tác giữa các blockchain, một lượng thanh khoản lớn sẽ được tạo ra và di chuyển linh hoạt giữa các nền tảng, giúp cải thiện hiệu quả giao dịch của hệ sinh thái.
- Tăng ứng dụng thực tiễn: Cross-chain giúp việc trao đổi token giữa các blockchain trở nên nhanh chóng và đơn giản hơn, tạo điều kiện cho các ứng dụng phi tập trung (DApps) và các giao thức DeFi phát triển, đồng thời mở rộng khả năng sử dụng thực tiễn của các tài sản số.
2. Nhược điểm
- Công nghệ còn mới mẻ: Cross-chain là một công nghệ non trẻ và chưa được phát triển toàn diện. Các giải pháp cross-chain hiện tại chủ yếu tập trung vào hoán đổi token và chưa hoàn thiện để hỗ trợ tương tác sâu hơn giữa các blockchain.
- Sự hoàn thiện của các blockchain còn thấp: Các blockchain riêng lẻ cũng đang trong quá trình hoàn thiện và khắc phục những hạn chế của mình. Do đó, công nghệ cross-chain cũng gặp nhiều trở ngại trong việc phát triển toàn diện và ứng dụng rộng rãi vào các lĩnh vực khác nhau trong đời sống.
Nhìn chung, cross-chain hứa hẹn sẽ là giải pháp tối ưu cho vấn đề phân mảnh trong lĩnh vực blockchain, nhưng để đạt được tiềm năng tối đa, công nghệ này cần thêm thời gian để hoàn thiện và mở rộng khả năng ứng dụng.
TOP 5 dự án cross-chain nổi bật
Sau khi hiểu rõ cross-chain là gì, hãy cùng tiendientu.com tìm hiểu những dự án nổi bật nhất trong lĩnh vực cross-chain nhé!
- Polkadot: Polkadot là nền tảng cho phép các mạng blockchain khác nhau kết nối và tương tác thông qua cơ chế Parachains và Bridge. Hệ sinh thái này được thiết kế nhằm cung cấp một hệ đa chuỗi có khả năng mở rộng, giúp phát triển các ứng dụng nhanh chóng và hiệu quả. Polkadot do Gavin Wood (một trong những nhà sáng lập của Ethereum) sáng lập, hướng đến việc cải thiện khả năng truyền tải dữ liệu và hợp đồng thông minh giữa các blockchain khác nhau.
- Cosmos: Cosmos là một hệ sinh thái blockchain mở được xây dựng trên giao thức Tendermint, cung cấp khả năng kết nối và tương tác giữa các mạng blockchain thông qua giao thức Inter-Blockchain Communication (IBC). Với tầm nhìn “Internet of Blockchains”, Cosmos tạo ra một thế giới nơi các blockchain Layer 1 kết nối với nhau qua cầu nối IBC, giúp việc truyền tải dữ liệu và tài sản giữa các chuỗi trở nên dễ dàng.
- Wanchain: Wanchain là một nền tảng blockchain phân tán với khả năng cross-chain, cung cấp cầu nối để kết nối các blockchain khác nhau, hỗ trợ chuyển dữ liệu và tài sản giữa chúng. Dự án này tập trung xây dựng một hệ sinh thái DeFi phi tập trung với phí giao dịch thấp và tốc độ cao. Wanchain sử dụng các nghiên cứu mật mã tiên tiến để đảm bảo tính năng tương tác xuyên chuỗi và sử dụng giao thức độc đáo để liên kết các chuỗi công cộng, tư nhân và doanh nghiệp, giúp chuyển tài sản kỹ thuật số giữa các blockchain khác nhau.
- Ren: Ren áp dụng mô hình phi tín nhiệm (trustless) và smart contract để đảm bảo an toàn và bảo mật trong quá trình truyền tải dữ liệu và tài sản. Giao thức Ren hỗ trợ các blockchain lớn như Bitcoin, Ethereum và Binance Smart Chain. Sản phẩm cốt lõi của Ren là RenVM, một giải pháp tăng cường tính tương tác giữa các hệ sinh thái DeFi.
- Chainlink: Chainlink không chỉ là một dự án Oracle mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng kết nối cross-chain. Chainlink cung cấp dữ liệu chính xác cho các blockchain khác nhau, giúp các dự án Cross-chain duy trì tính chính xác và an toàn trong quá trình chuyển đổi dữ liệu và tài sản.
Tương lai của cross-chain sẽ ra sao?
Hiện nay, công nghệ Cross-chain vẫn đang ở giai đoạn phát triển ban đầu, do đó vẫn còn nhiều lo ngại về khả năng hoạt động của chúng.
Chẳng hạn, cross-chain bridge có thể gặp trở ngại khi truy xuất nguồn gốc của các NFT khi chúng được chuyển đổi qua các blockchain khác nhau. Hơn nữa, hiệu suất của công nghệ này cũng là vấn đề cần quan tâm, đặc biệt là khi mạng lưới bị tắc nghẽn hoặc gặp rủi ro từ các cuộc tấn công của hacker.
Trong tương lai, công nghệ cross-chain được kỳ vọng sẽ mở rộng các trường hợp sử dụng token và thúc đẩy việc ứng dụng blockchain. Ngoài tính năng hoán đổi token, công nghệ này sẽ hướng tới việc hỗ trợ chia sẻ thông tin, thực hiện thanh toán và trao đổi tài nguyên hiệu quả giữa các mạng.
Ngoài ra, các giao dịch token sẽ trở nên thuận tiện hơn khi người dùng chỉ cần quản lý bằng một hệ thống ví duy nhất. Trong môi trường kinh doanh, cross-chain sẽ giúp khách hàng xử lý công việc thời gian thực trên các blockchain khác nhau với chi phí thấp và giúp tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh.
Kết luận
Tóm lại, qua bài viết cross-chain là gì, có thể thấy công nghệ này là một bước tiến lớn trong việc phá bỏ rào cản giữa các mạng blockchain, tạo ra một hệ sinh thái linh hoạt và liền mạch hơn. Dù vẫn còn một số thách thức cần vượt qua, đặc biệt về mặt bảo mật và khả năng tương thích, nhưng cross-chain đang dần khẳng định vai trò quan trọng của mình trong việc thúc đẩy tính ứng dụng và phổ biến của blockchain.